7 Chỉ Số Google Analytics Cơ Bản Đọc Báo Cáo
Nếu bạn đã từng sử dụng Google Analytics, chắc hẳn bạn sẽ bị ngợp trước một loạt các chỉ số Google Analytics và cũng không biết nên học kĩ những chỉ số quan trọng nào. Trước khi muốn phân tích bất kì báo cáo nào, bạn cũng phải hiểu rõ ý nghĩa của từng chỉ số. Để đọc tốt các báo cáo của Google, bạn cần biết 7 chỉ số Google Analytics sau đây.
Các chỉ số google analytics
Chỉ số Google Analytics – Người dùng
Chỉ số Người dùng, trong tiếng anh là User hoặc Visitor đều được, là chỉ số cơ bản mà ai cũng có thể hiểu được. Chỉ số người dùng cho biết số lượng người đã ra vào website của bạn. Giống như việc đếm số khách ra vào một cửa hàng vậy.
Tuy nhiên, điểm khác ở chỗ Google Analytics xác định người bằng “mã theo dõi“, còn các cửa hàng xác định bằng cách đếm đầu người chẳng hạn. Trong môi trường kĩ thuật số, website hay bất cứ một nền tảng nào khác, đều phải có phương thức xác định người dùng của riêng mình. Đối với Google Analytics, họ sử dụng “cookie – mã theo dõi”.
Trong Google Analytics chia ra làm hai loại người dùng: người dùng mới và người dùng cũ. Tổng số lượng người dùng bằng hai loại này cộng lại. Bạn có thể xem thêm video để hiểu rõ hơn.
Chỉ số Google Analytics – Phiên
Cũng giống như một phiên chợ, một ca làm việc, Phiên trong Google Analytics có ý nghĩa tương tự. Từ lúc người dùng bắt đầu vào website cho đến lúc người dùng thoát ra ngoài được coi là kết thúc một phiên. Trong một phiên có thể có nhiều hành động xảy ra như xem video, xem ảnh, ấn internal link, ấn like,… được gọi chung là Tương tác.
Bạn vào Google Analytics sẽ hay thấy chỉ số Phiên xuất hiện ở hầu hết các báo cáo. Số lượng phiên nhiều tức là đang có nhiều traffic truy cập vào website. Trong việc đánh giá chiến dịch marketing có hiệu quả hay không, chỉ số Phiên gần như là chỉ số đầu tiên bạn nhìn vào để đánh giá số lượng người đã vào website.
Chỉ số Google Analytics – Thời gian trên trang
Chỉ số này đo thời lượng người dùng ở trên một trang bất kì. Ví dụ bạn vào trang A trong 2 phút sau đó chuyển sang trang B, thì thời gian trên trang A là 2 phút. Bạn vào báo cáo Hành vi > Nội dung trang web > Tất cả các trang.
Thời gian trung bình trên trang = Tổng lượng thời gian trên trang / Số lần xem trang
Chỉ số Google Analytics – Thời lượng của phiên
Đúng như tên gọi, đây là thời lượng của cả quãng thời gian người dùng ở trên website, chứ Thời gian trên trang chỉ tính cho 1 trang cụ thể. Bạn có thể xem ở báo cáo Sức thu hút > Tất cả lưu lượng truy cập > Kênh.
Thời lượng trung bình của phiên = Tổng thời lượng của tất cả phiên / Tổng tất cả các phiên.
Chỉ số Google Analytics – Tỷ lệ bỏ trang
Có rất nhiều nhầm lẫn giữa tỷ lệ bỏ trang và tỷ lệ thoát trang, giữa Bounce Rate và Exit Rate. Do Google Analytics dịch không sát nghĩa nên mới dẫn tới sai lầm này. Thực tế, Bounce Rate là tỷ lệ bỏ trang, còn Exit Rate là tỷ lệ thoát trang.
Tỷ lệ bỏ trang là tỷ lệ phần trăm của số phiên truy cập chỉ có một trang duy nhất và không có tương tác. Tức là người dùng vào xem một trang duy nhất rồi thoát và không có bất kì tương tác nào, sẽ bị coi là bỏ trang.
Chỉ số Google Analytics – Tỷ lệ thoát trang
Thoát trang tức là thoát hẳn ra ngoài website, kết thúc một phiên truy cập. Tỷ lệ thoát trang có lẽ sẽ không có gì đáng phải quan tâm bởi người nào vào website rồi cũng sẽ phải thoát. Tuy nhiên, có những trang “đặc biệt” có tỷ lệ thoát cao là điều đáng phải lưu tâm.
Những trang đặc biệt ở đây đó là những trang nằm trong quá trình mua hàng. Thông thường, quá trình mua hàng có khoảng 2 đến 4 bước. Nếu khách hàng vì một lí do nào đó, thoát ngang chừng trong quá trình mua hàng, ví dụ tỷ lệ thoát rất nhiều ở trang thanh toán. Như vậy tỷ lệ thoát ở trang này sẽ không tốt và bạn cần khắc phục vấn đề sớm.
Chỉ số Google Analytics – Tỷ lệ chuyển đổi
Một chỉ số không thể không quan tâm đối với bất kì người làm marketing nào. Chỉ số cho biết có bao nhiêu chuyển đổi trên tổng số phiên trong một khoảng thời gian nhất định. Bạn có thể xem báo cáo tỷ lệ chuyển đổi ở Số chuyển đổi > Mục tiêu > Tổng quan.
Để Google Analytics cập nhật dữ liệu này, bắt buộc bạn phải cài đặt mục tiêu cho website. Mục tiêu ở đây không nhất thiết phải là mua hàng, mà có thể là đăng kí nhận tin, ném sản phẩm vào giỏ hay xem video cũng được coi là chuyển đổi.
Các chỉ số Google Analytics trên đều được sử dụng rất nhiều trong việc đọc báo cáo, cũng như tạo báo cáo tùy chỉnh. Do vậy, đảm bảo bạn hiểu rõ ý nghĩa của từng chỉ số, tránh bị nhầm lẫn trong quá trình phân tích.
Đọc thêm:
- Hướng dẫn track traffic, conversation internal banner trên website
- Click vs Session? Điều gì gây ra sự khác biệt trong các báo cáo?
- Hướng dẫn tracking tổng thể website với Google Tag Manager, Google Analytic và Facebook pixel
Nguồn: Tuấn Anh – VietMoz SEO Junior