Sai lầm kinh doanh F&B: Sao dại chịu lỗ những tháng đầu ?
Những ai mới bắt đầu kinh doanh ngành FnB hoặc đang kinh doanh nhưng đang lỗ, chưa thấy lợi nhuận đâu thì đừng bỏ qua bài này.
Chia sẻ từ anh Tim Lee khi bắt đầu mở quán ăn, cùng đọc và rút ra bài học cho riêng mình nhé.
Gồng để lỗ...
Mọi người sẽ rỉ tai nhau bảo rằng, "ráng gồng mấy tháng đầu". Thật ra mình cũng không phải khá khẳm gì hơn mọi người đâu. Bởi vì quay ngược thời gian, trở lại cách đây 5 năm lúc bắt đầu mở quán. Mình cũng đã lỗ, cũng đã gồng nhưng mà không phải "mấy tháng đầu" như giang hồ khuyên nhủ nhau mà là trong hơn 9 tháng.
9 tháng....
Nhiều anh chị em khi kinh doanh thường hay nghĩ, mình là người mới ra thì lúc đầu chưa nhiều người biết mình, người ta chưa quen quán nên họ chưa có ghé, phải cố gắng kiên nhẫn. Đây là một trong những lời tự an ủi nguy hiểm nhất mình từng biết.
Tại vì thực tế suy nghĩ của khách hàng không diễn ra như thế. Dù cho bạn có mở quán ngay trên đường đi làm - về nhà của họ thì họ cũng sẽ không ghé vô.
Tại vì họ không có lý do cho chuyện đó. Nếu có nhu cầu ăn uống, nhậu nhẹc hay tụ họp họ sẽ ghé vào quán cũ. Cái nơi họ vẫn lui tới khi bạn chưa xuất hiện.
Việc bạn xuất hiện hay biến mất chả tác động gì đến cuộc đời họ cả. Thế là họ không chú ý và bỏ qua bạn.
Điều này có thể hiểu là, nếu bạn không làm gì nổi bật lên thì muôn đời họ cũng không chú ý đến bạn. Tức là bạn gồng, gồng nữa, gồng mãi đó.
Muốn thoát khỏi tình trạng đó, bạn chỉ có một cách duy nhất. Đó là tạo được ấn tượng với họ - Điểm chạm đầu tiên
Khi nào nên làm?
Đẹp nhất là trước khi bạn khai trương, còn nếu bạn đã đang kinh doanh rồi thì nên có một lý do đủ thuyết phục để khách hàng quan tâm đến bạn.
Lý do là bởi vì trên thị trường luôn nhan nhản các chương trình khuyến mãi, và trong tâm trí khách hàng thì tiềm thức họ đánh đồng bạn - một quán lạ mặt với tất cả các quán khác.
Trong marketing người ta hay chia ra làm giai đoạn. Lúc khai trương thì thường sẽ có chương trình (Launching) nhưng trước đó khoảng 14-7 ngày là mình phải chuẩn bị khai trương rồi (Pre-launch).
Nếu bạn chuẩn bị tốt cho chiến dịch khai trương thì bạn full bàn luôn ngay ngày khai trương, chứ không có phải gồng gì hết. Cho nên mấu chốt là ở chương trình bạn tổ chức.
Tức là điểm chạm đầu tiên.
Làm như thế nào?
Hãy tưởng tượng khách hàng của bạn như những cô gái đẹp (nếu bán trà sữa) hay những chàng trai hào sảng (nếu bán quán nhậu). Câu hỏi là, bạn sẽ làm gì để tạo sự chú ý với họ.
Làm gì cũng được, nhưng nên làm khác những thứ họ từng thấy, và ngoài sức tưởng tượng của họ.
Mục tiêu là tạo ấn tượng mạnh, cảm giác không thể quên ngay từ lúc đầu. Một khi họ đã ấn tượng, trí tò mò sẽ nổi dậy thì họ mới quan tâm đến thông điệp bạn đưa ra cho họ.
Mình thường ưa thích các hoạt động offline hơn là online bởi vì môi trường Online quá nhiều xao nhãng và khách hàng không thể tập trung và có được trải nghiệm Wow.
Offline thì hoàn toàn khác, bạn có thể tác động vào cả 5 giác quan khiến họ bị tác động và ấn tượng hơn rất nhiều.
Ví dụ cụ thể nhé, khi khai trương Hoa Sơn Tửu Lầu quận 6, mình đã cho đệ tử cưỡi ngựa đi khắp các đường phố xung quanh quán. Vừa đi vừa phát tờ rơi, trên tay vác Đồ Long Đao như đang phiêu bạt giang hồ. Đi đến đâu có 2 tên tiểu nhị chạy ra phát tờ rơi đến đấy.
Trong tờ rơi đơn giản chỉ viết: "Tại hạ sẽ Hạ Sơn ngày ... tại ... Có bản lĩnh, hãy đón chờ"
Có thông tin của quán ở mặt sau, nhưng đó không phải là điểm chính.
Chủ yếu là tui muốn tạo ra điểm chạm đầu tiên của khách hàng với thương hiệu của mình. Làm họ nhớ trước đã, bước tiếp theo mới tấn công sau.
Sau khi đã cho người ngựa quần thảo, phát tờ rơi, quay phim chụp hình đủ kiểu. Tui bắt đầu cho chạy quảng cáo vào bán kính khu vực ấy. Tất nhiên trong thông điệp quảng cáo phải có chi tiết đại hiệp cưỡi ngựa hạ sơn → Đến dự khai trương Hoa Sơn Tửu Lầu.
• Khi đó, họ mới quan tâm là: "À, quán này được, mới khai trương nè"
• Xong rồi mới đến: "Để xem có gì hay không. Thấy cũng được"
Nếu bạn dồn hết thông điệp vào lần chạm đầu tiên, họ sẽ rời đi vì không còn gì hấp dẫn nữa. Không có lý do để quan tâm nữa.
Hãy kiên nhẫn một tí, thành quả sẽ đến, chậm một tí thôi.
Đó là lý do vì sao phải làm trước ngày khai trương vài ngày. Đến lúc giờ G điểm là full bàn, quá đẹp.
Bạn áp dụng thế nào?
Hãy hiểu rõ khách hàng của mình. Bạn đang bán hàng cho ai, họ yêu gì, ghét gì, thói quen làm gì. Hãy mô tả họ càng cụ thể càng tốt. Bạn càng hiểu khách hàng của bạn bao nhiêu, bạn càng dễ tạo ra các điểm chạm bấy nhiêu.
Mình sẽ ví dụ cho bạn sẽ hiểu.
• Nếu bạn đang bán bánh mì cho dân văn phòng, đam mê Money Heist. Sắm ngay một bộ đồ bay đỏ và mặt nạ Dali, cầm thêm một khẩu M16 mà đi phát tờ rơi. Và nhớ là lúc phát phải ấn tượng nhé. Kiểu chỉa súng, lấy tờ rơi ngay không ăn đạn (chẳng hạn). Nhớ là bạn phát 1 người nhưng rất nhiều người xung quanh bị bạn gây ấn tượng. Đừng khinh thường.
• Nếu bạn đang bán cà phê cho sinh viên mê game PUBG chẳng hạn. Đừng ngần ngại mặc full đồ xanh, ba lô 3, nón 3 cầm chảo mà rải xung quanh và tấn công. Vẫn nguyên tắc là ấn tượng và nhập vai nhé. Bạn càng nhập vai thì điểm chạm bạn tạo càng mạnh mẽ.
Xong sau đó về thì kích hoạt chương trình quảng cáo target vào khu vực bạn đã quần thảo tạo ra điểm chạm lần đầu rồi. Khi này khách hàng sẽ phản hồi lại cho bạn một cách tích cực.
Nhưng nhớ, một điều cực kỳ quan trọng là thông điệp hình ảnh quảng cáo của bạn phải nhất quán và liên quan mật thiết với hình ảnh bạn đã tạo nha.
Thực hiện không khó như bạn nghĩ
Mình biết là bạn đang xuất hiện trong đầu nhiều nỗi sợ, và lý do để không làm được. Nhưng tin mình đi. Mình đã làm rất nhiều lần rồi, và nó đơn giản nhưng hiệu quả lắm. Một số kiểu từng làm như:
• Đập bát tiêu sầu - Khai trương HSTL Hoàng Sa
• Cưỡi ngựa hạ sơn - Khai trương HSTL Q.6
• Bộ giáp ngàn cân - Khai trương Ngọa Long Trại, Bình Thạnh
• Khoe rank Cao Thủ - Cafe Thánh địa Liên Quân.
...
Trên đây là một số chiến dịch mình đã thực hiện và nó mang lại hiệu quả thực sự. Mình cũng tin rằng bạn có thể tự tạo ra chiến dịch "Điểm chạm đầu tiên" cho riêng bạn. Miễn là bạn hiểu, rất hiểu khách hàng của mình.
Muốn có những điều mình chưa bao giờ có, hãy thử những thứ mình chưa bao giờ làm.
Nếu được thì là thành công, nếu mất thì có thêm kinh nghiệm. Vậy thì có lý do gì để sợ hãi nữa đúng không?
Chia sẻ từ Tim Lee - Kinh doanh trong kỉ nguyên số