Đốt tiền vào Google Adwords với 'click tặc' tại Việt Nam
Google Adwords là một trong những kênh quảng cáo phổ biến trong kinh doanh. Tuy nhiên cạnh tranh không lành mạnh đã biến công cụ này thành một nơi đốt tiền của nhà quảng cáo.
"Đặt ngân sách 5 triệu đồng cho một từ khóa, chỉ trong một đêm số tiền đó đã hết sạch. Tôi hoàn toàn bất lực trước tình trạng bị đối thủ cạnh tranh chơi xấu như vậy", anh Thanh Tùng, nhân viên bán bất động sản của một công ty môi giới quận 3, TP.HCM cho biết về vấn nạn "click tặc".
Google Adwords, một công cụ giúp nhà quảng cáo đưa mặt hàng, doanh nghiệp của mình đến với khách hàng thông qua những từ khóa được chỉ định trước. Khi người dùng tìm kiếm một từ khóa nào đó trên Google Search, công cụ này sẽ ưu tiên những đường link của các nhà quảng cáo đã "mua" từ khóa đó. Nếu người tìm kiếm bấm vào, nhà quảng cáo sẽ bị trừ số tiền trong ngân sách dùng để mua từ khóa.
Mỗi cú click nhà quảng cáo có thể bị tiêu tốn vài chục nghìn đồng.
Giá của mỗi từ khóa tùy thuộc vào ngành nghề, Google sẽ dựa trên độ hot, số lượng người mua và ngân sách dành cho từ khóa mà sắp xếp thứ tự ưu tiên và định giá cho mỗi từ. Thuật ngữ trong giới gọi là "đấu giá từ khóa".
Lợi dụng lỗ hổng này, nhiều cá nhân cạnh tranh không lành mạnh đã tạo ra những công cụ click liên kết. Đối tượng này được dân trong nghề gọi là "click tặc", chuyên nhấn vào quảng cáo của đối thủ khiến họ cạn kiệt ngân sách.
Mỗi click mất một tô phở
"Mỗi click bay mất tô phở 50 nghìn đồng là chuyện hết sức bình thường. Trung bình mỗi nhân viên bất động sản sẽ được cấp một khoản phí để chạy quảng cáo cho dự án mà mình nhận. Đáng buồn là nhiều trường hợp tôi phát hiện chính đồng nghiệp của mình đã hãm hại, click từ khóa của tôi vì cạnh tranh lợi ích", anh Tùng xót xa chia sẻ vấn nạn này.
Các công cụ "click tặc" ngày càng bổ sung nhiều tính năng.
Những bộ công cụ click liên kết được rao bán, chia sẻ công khai trên rất nhiều hội nhóm kinh doanh điện tử. Nó gần như được xem là một thủ thuật không thể thiếu trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt về từ khóa tìm kiếm như hiện nay.
"Nếu triệt hạ được từ khóa của đối thủ, khiến họ hết ngân sách thì từ khóa của bạn sẽ leo lên vị trí ưu tiên với giá rẻ hơn vì bạn nắm trong tay thế chủ động", anh Lê Minh Hiệp, ngụ Đồng Nai, một người am hiểu về Adwords cho biết.
Tùy từng đặc trưng về ngành nghề mà độ khốc liệt của cuộc chiến này thay đổi theo. Cao nhất là ở các loại hình kinh doanh đắt tiền như bất động sản, xe hơi, tour du lịch. Độ cạnh tranh giảm xuống với các ngành nghề đặc thù và ít người kinh doanh.
"Đặc thù mặt hàng xe hơi là khách hàng sẽ tìm hiểu rất kỹ trước khi quyết định mua xe. Vì thế công cụ tìm kiếm Google đặc biệt là Adwords hỗ trợ rất tốt cho dạng khách hàng này. Ba tháng nay tôi đã đốt hơn 100 triệu cho nó nhưng số xe bán được chỉ đủ trả chi phí đó, dư lại một ít không tương xứng với sức lao động", chị Hiền, nhân viên bán xe hơi tại Tân Bình cho biết.
Am hiểu để không đốt tiền
Google cho phép nhà quảng cáo chặn những IP - mã định danh thiết bị Internet mà họ không muốn liên kết của mình xuất hiện. Đây là một trong số những giải pháp ít ỏi mà nhà quảng cáo có thể dùng để phòng tránh nạn "click tặc". Bằng cách phân tích những IP ảo đã từng click từ khóa của mình, người quảng cáo có thể tiến hành chặn chúng. Nhưng phương án này khá bị động.
"Trước đây việc tạo IP ảo để click quảng cáo không quá khó, ngày nay lại càng có nhiều công cụ để hỗ trợ cho việc này hơn. Chỉ cần reset bộ phát 3G thì IP này đã được thay đổi. Ngoài ra có những "click tặc" chuyên nghiệp có thể check-in ảo để thu hút quảng cáo dựa trên cơ chế hiển thị từ khóa theo địa điểm", anh Hiệp phân tích về các mánh khóe của hình thức cạnh tranh không công bằng này.
Với những mặt hàng đắt tiền, người tiêu dùng thường tìm hiểu kỹ trước khi mua.
Để tránh việc phải "ném tiền qua cửa sổ" những người làm kinh doanh phụ thuộc vào Adwords cần trang bị cho mình những hiểu biết nhất định về công cụ này.
"Chia nhỏ các chiến dịch quảng cáo, thu thập IP ảo để chặn và giữ bí mật về dự án kinh doanh tránh tiết lộ cho đối thủ là những giải pháp tạm thời để kiểm soát tình trạng "click tặc". Hiện tại cách để tránh hoàn toàn vẫn chưa có", anh Hiệp chia sẻ thêm về cách phòng chống.
Mục đích của việc chia nhỏ chiến dịch là để giảm thiểu việc một từ khóa bị click một cách mất kiểm soát, khiến đối thủ mất thời gian hơn trong việc tìm kiếm và chơi xấu.
Qua những lần bị click ảo phá hoại, người quảng cáo sẽ thu thập được một lượng lớn các IP ảo để tiến hành chặn cho mỗi chiến dịch. Và cuối cùng là giữ bí mật những dự án kinh doanh, kho từ khóa của cá nhân để tránh phải cạnh tranh với những từ khóa thông thường với giá rất cao.
Những công cụ như thế này dễ dàng tìm thấy trên mạng.
"Tôi chỉ là một nhân viên kinh doanh bất động sản đơn thuần, vì thế kiến thức và thời gian dành ra để tìm hiểu sâu về công cụ này rất hạn chế. Với những người cùng cảnh ngộ, hãy nhờ đến những đơn vị chuyên nghiệp. Đừng đốt tiền vào những thứ mà mình không thật sự am hiểu", anh Tùng chia sẻ về việc thuê một đơn vị khác hỗ trợ mình.
Ngoài Facebook và những kênh quảng cáo, truyền thông khác thì Google Adwords cũng là một kênh mà các nhà quảng cáo muốn hướng tới. Nhưng cạnh tranh công bằng đã khiến nhiều nhà quảng cáo đốt hàng trăm triệu đồng không mang lại hiệu quả, một số người đã từ bỏ Adwords vì không thể cạnh tranh.
Theo Brandsvietnam